Logo
banner 3-2-2

Doanh nhân Phan Tiến Dũng “Xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững”

Với xuất phát điểm thấp, qua hơn 10 năm phát triển, từ một cửa hàng nhỏ của gia đình, đến nay Phan Tiến Dũng cùng với anh trai đã đưa Công ty TNHH Đại Phát vươn lên top 500 doanh nghiệp phát triển của Việt Nam, mức doanh thu hàng năm đạt hơn 500 tỷ đồng. Hiện Công ty đã có chi nhánh ở 3 miền Bắc- Trung- Nam và 100 đại lý lớn trên toàn quốc, tạo việc làm cho hơn 600 lao động với mức lương thấp nhất 4 triệu đồng/người/tháng.

P.V: Trong kinh doanh ai là người ảnh hưởng đến anh nhiều nhất?

Doanh nhân Phan Tiến Dũng: Cha tôi! Ông vừa là người cha, vừa là người thầy đầu tiên dạy chúng tôi kinh doanh và trách nhiệm của người đàn ông trong gia đình và xã hội. Từ nhỏ chúng tôi đã thấm nhuần tư tưởng “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”  ý nói người nào mà có một nghề đạt đến trình độ tinh thông, thuần thục, giỏi giang, tâm huyết gắn bó với nghề đấy, thì sẽ đạt được thành công và vinh quang.

Ngày đó nhà tôi làm nghề gò xô tôn và bếp than tổ ong, mặc dù rất khó khăn nhưng ông vẫn mời thầy giỏi bên Nam Định về dạy nghề cho 2 anh em với hy vọng chúng tôi có một cái nghề để “kiếm cơm”.

Những năm 2000, khi gia đình mua được mảnh đất mặt đường Quốc lộ 10 để mở cửa hàng bán vật tư ngành điện, có một khách hàng cộng nhầm sổ 14 triệu đồng, tối về kiểm tra sổ sách cha phát hiện ra và kiên quyết tìm bằng được khách hàng đó để trả lại. Mặc dù khi đó 14 triệu đồng với gia đình tôi là một tài sản lớn.

Sau này người khách hàng đó rất thân thiết với gia đình tôi và giới thiệu cho chúng tôi nhiều khách hàng khác, mang lại cơ hội không nhỏ cho gia đình. Bài học này tôi luôn giữ bên mình như kim chỉ nam trên con đường kinh doanh.

P.V: Anh khởi nghiệp năm bao nhiêu tuổi?

Doanh nhân Phan Tiến Dũng: Có lẽ vì gia đình nghèo quá lại thêm bản tính tò mò nên tôi khởi nghiệp kinh doanh rất sớm. Khi đó tôi mới học cấp 1, thấy mọi người hay ngồi lề đường vá xe đạp tôi cũng mượn cha bộ dụng cụ vá xe ra lề đường ngồi treo biển “bơm vá xe”. 500 đồng đầu tiên làm ra vừa đủ mua 1 gói mỳ tôm để thưởng cho mình. Nhưng mua xong tôi mới nghĩ nếu tiêu thế này thì hết cả vốn lẫn lãi, muốn kinh doanh tiếp phải tiết kiệm.

Trong suốt quãng thời gian học phổ thông tôi vẫn tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình. Ngày đó tôi tròn 20 tuổi, anh trai 24 tuổi, ngày nắng cũng như ngày mưa 2 anh em  đèo nhau trên chiếc xe cà tàng để đi giao hàng. Tôi nghĩ nếu làm mãi như này thì không ổn nên quyết định phải tìm hướng đi khác.

Qua tìm hiểu tôi thấy rằng một số công ty sản xuất các thiết bị, vật tư ngành điện đang muốn tìm nhà phân phối nên tôi đã xin làm đại lý của Trần Phú rồi Panasonic, Sino…

Khi thi đỗ Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội cùng với việc đi học tôi tiếp tục tìm hiểu các công ty sản xuất và đặt làm đại lý tiêu thụ sản phẩm tại Ninh Bình và các tỉnh lân cận. Đến năm 2006, mức doanh thu của cửa hàng tăng trưởng với con số kỷ lục 300%.

Tuy có những thành công trong kinh doanh nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ theo con đường kinh doanh mà chỉ mong học xong đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền nhanh. Nhưng đúng là nghề chọn người chứ người không được chọn nghề nên năm 2006 khi tốt nghiệp đại học trong danh sách đi nước ngoài của trường không có tên mình, tôi đã quyết định về quê cùng với anh trai phát triển sự nghiệp.

Khi “bước cả 2 chân” vào con đường kinh doanh tôi đã tìm hiểu thị trường và nhận thấy mặt hàng đèn tiết kiệm điện compac mới vào thị trường Việt Nam, do giá cả còn cao, lợi ích của dòng sản phẩm này chưa được người tiêu dùng đánh giá đúng, nên mạnh dạn đăng ký làm đại lý độc quyền cho Tập đoàn doanh nghiệp nước ngoài Yankon về sản phẩm chiếu sáng. Vượt lên vô vàn khó khăn chặng khởi nghiệp, những bước thành công ban đầu đã tạo tiền đề cho Công ty TNHH Đại Phát ra đời vào ngày 27-8-2007. Năm 2008 Công ty là đại lý độc quyền  cho Yankon tại tỉnh Ninh Bình.

Năm 2012, Công ty chính thức trở thành đại lý phân phối độc quyền các sản phẩm chiếu sáng của tập đoàn này trên toàn lãnh thổ Việt Nam, đồng thời phân phối sản phẩm của nhiều thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam như: Vật tư ngành điện: Cadivi, Vinakip, Panasonic, Ls, Phinips…; Vật tư ngành nước: Sino, nhựa Bình Minh, nhựa Tiền Phong…; điện gia dụng và điện lạnh: Đaikin, Panasonic, Toshiba, Sunhouse, Bluestone…; thiết bị nội thất: Ariston, Inax, Kova, Olympic…

P.V: Xây dựng thương hiệu trong kinh doanh là một vấn đề anh đã thực hiện cách đây hơn 10 năm. Điều đó có ý nghĩa thế nào với anh?

Doanh nhân Phan Tiến Dũng: Quay trở lại câu chuyện về “đạo đức kinh doanh” mà tôi đã nói với bạn ở trên, tôi muốn kiếm tiền mà không mất đi phần hồn. Tôi không muốn khách hàng của tôi thiệt hại vì sự bất chấp kiếm tiền bằng mọi giá của mình.

Cách đây nhiều năm khi tôi kinh doanh các thương hiệu, cửa hàng tôi không bán chạy như nhiều đại lý khác trong tỉnh nên có người hỏi tôi rằng sao tôi không bán những sản phẩm giá rẻ được nhập về tràn lan trên thị trường tôi đã trả lời “Tôi muốn xây dựng thương hiệu để phát triển lâu bền”.

Tôi nghĩ rằng trước đây các doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, vì doanh nghiệp đó chưa đặt khách hàng là trọng tâm. Chỉ khi nào doanh nghiệp coi khách hàng là “thượng đế” đặt lợi ích của khách hàng lên ngang bằng lợi ích doanh nghiệp thì khi đó các bạn sẽ thực sự phải quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu trong kinh doanh.

Chính vì thế Logo của Công ty chúng tôi là hình ảnh 3 ngôi nhà xếp lên nhau. Đại Phát có nghĩa là nhiều người cùng phát, nhiều nhà cùng phát. Hơn nữa hình ảnh ngôi nhà thể hiện ý tưởng là các dòng sản phẩm của công ty cung cấp tất cả các dịch vụ để có thể hoàn thiện 1 ngôi nhà. Và ngôi nhà cũng chính là biểu tượng của sự ấm cúng, yêu thương và đoàn kết. Chúng tôi mong muốn mọi sự hợp tác với Đại Phát đều thành công.

P.V: Anh chuẩn bị hành trang gì cho mình khi các doanh nghiệp đang bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế?

Doanh nhân Phan Tiến Dũng: Hơn 10 năm qua, tôi cho rằng doanh nghiệp Đại Phát mới chỉ ở giai đoạn “phát triển nóng”. Đã đến lúc chúng tôi đầu tư vào chiều sâu. Để chuẩn bị hành trang cho giai đoạn mới của Đại Phát, chúng tôi đã mở rộng hoạt động sang lĩnh vực sản xuất hàng hóa.

Năm 2014 Đại Phát đã được ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình cấp giấy chứng nhận đầu tư văn phòng và nhà xưởng 20.000m2 tại khu công nghiệp Phúc Sơn. Năm 2015 Công ty cũng đã tiếp nhận dây chuyền chuyển giao công nghệ của Tập đoàn Yankon để sản xuất ở Việt Nam. Hiện tại nhà máy được xây dựng tại khu công nghiệp Vĩnh Niệm – Hải Phòng với quy mô 10.000m2 cũng đã chính thức vận hành.

Ngay sau khi tiếp nhận nhà máy chúng tôi đã xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mang tên Max Win, thương hiệu này đã được bình chọn top 100 nhãn hiệu vàng của Việt Nam. Bên cạnh đó, Đại Phát cũng đang xây dựng thương hiệu máy lọc nước Vina Lux, sản phẩm này được liên kết với một tập đoàn ở Đài Loan. Năm 2017 chúng tôi sẽ kiểm định chất lượng và đưa ra thị trường với giá thành và tiêu chuẩn phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Việt.

Cùng với sản xuất, kinh doanh, Đại Phát đã và đang tiến hành hoàn thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao và xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp. Mục tiêu của chúng tôi là trở thành nhà sản xuất phân phối thiết bị điện hàng đầu Việt Nam.

PV: Xuất khẩu có phải là mục tiêu mà anh hướng đến khi hội nhập?

Doanh nhân Phan Tiến Dũng: Việt Nam đang là “thị trường vàng” mà các nhà đầu tư trên thế giới hướng đến. Chính vì thế theo tôi hội nhập không nhất thiết là phải xuất khẩu mà phải làm sao chiếm lĩnh được thị trường 90 triệu dân Việt Nam.

Còn mục tiêu lâu dài khi sản xuất và kinh doanh đã đi vào ổn định chúng tôi sẽ có mặt hàng để xuất khẩu. Tôi kỳ vọng chuyến “xuất ngoại” đầu tiên của sản phẩm mang thương hiệu Max Win sẽ đặt chân tại thị trường Mỹ.

PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Nguyễn Thơm (thực hiện)

Theo http://baoninhbinh.org.vn

 

 

 

 

 

Các tin liên quan

Zalo